Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, hàng năm có 50 nghìn đến 70 nghìn người tử vong do bệnh dại và trên 10 triệu người phải điều trị dự phòng bằng vắc xin dại. Bệnh dại tập trung chủ yếu ở các nước đang phát triển, đặc biệt là châu Á. Tại Việt Nam, từ năm 1990 - 1995, có khoảng 500 ca tử vong do dại.

Trước tình hình đó, năm 1996, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 92/CT-TTg về tăng cường phòng chống bệnh dại. Với nhiều biện pháp được triển khai quyết liệt, số tử vong do bệnh dại đã giảm rõ rệt, khoảng dưới 100 trường hợp tử vong/năm vào những năm 2010 trở lại đây. Tuy nhiên, vẫn còn một số tỉnh, thành phố có số tử vong cao do dại. Trong 3 tháng đầu năm 2016, đã có 18 người chết vì bệnh dại. Người nhiễm vi rút dại khi đã lên cơn dại thì tỷ lệ tử vong là gần như 100%. Các biểu hiện lâm sàng của bệnh dại ở người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt và dẫn đến tử vong.

Tại TP. Hà Nội, trong năm 2014 ghi nhận 5 trường hợp mắc bệnh dại, năm 2015 ghi nhận một trường hợp, từ đầu năm 2016 đến nay ghi nhận 2 trường hợp dại lên cơn tại huyện Hoài Đức và Ba Vì. Tất cả các trường hợp tử vong đều bị chó cắn mà không được đi tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại hoặc tiêm muộn.

Hà Nội hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống bệnh dại - Ảnh 1.

ThS Nguyễn Văn Dung, Phó Giám đốc Sở Y tế phát biểu tại lễ hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống bệnh dại

 Ths Nguyễn Văn Dung, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: "Bệnh dại vẫn có nguy cơ gia tăng do tỷ lệ tiêm phòng cho đàn chó tại một số địa phương còn thấp. Vậy nên chưa khống chế được bệnh dại ở chó. Về phía người dân còn chủ quan, nhận thức về bệnh dại còn hạn chế dẫn đến việc bị chó cắn nhưng không đi khám hoặc không tiêm phòng kịp thời".

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhận định để giảm được tử vong do bệnh dại và tiến tới khống chế bệnh dại chỉ có thể thực hiện được khi có sự vào cuộc của tất cả mọi người, đặc biệt là người dân phải biết cách tự bảo vệ mình và tham gia tích cực vào các hoạt động phòng chống bệnh dại tại cộng đồng.

Hà Nội là một trong những địa phương đã thực hiện tốt công tác phòng chống bệnh dại. Tuy nhiên, hàng năm tại một số huyện ngoại thành vẫn ghi nhận bệnh nhân tử vong do bệnh dại lên cơn. Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong cao, để có thể ngăn ngừa và khống chế được bệnh dại, cần tăng cường công tác chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền. Nhằm hướng tới Ngày thế giới phòng chống bệnh dại 28/9, Sở Y tế Hà Nội đã có sự tăng cường tuyên truyền về phòng chống bệnh dại cho cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức của người dân về phòng chống bệnh dại; khuyến cáo người dân đến ngay cơ sở y tế để khám và được tư vấn kịp thời khi bị chó, mèo nghi dại cắn. Ngành nông nghiệp cần tăng cường kiểm soát số lượng đàn chó, mèo và loại trừ bệnh dại trên đàn chó, mèo nuôi thông qua tiêm phòng vắc xin và duy trì tỷ lệ tiêm phòng vắc xin cho đàn chó, mèo đạt trên 70% tổng đàn. Ngành y tế đảm bảo đầy đủ về nhân lực, vắc xin, huyết thanh để đáp ứng cho việc phòng và điều trị cho người bị súc vật nghi dại cắn.

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!

Nhãn:

Đăng nhận xét

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.