Khi bị bỏng việc tự sơ cứu là rất cần thiết, tuy nhiên nhiều trường hợp do chưa hiểu đúng về việc sơ cứu, xử lý sai cách nên đã để lại những hậu quả đáng tiếc.

Trao đổi với VTV News, Đại tá, PGS. TS. BS. Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Giám đốc Viện Bỏng Quốc gia cho biết, sai lầm hay gặp trong việc sơ cấp cứu bỏng là không giữ được bình tĩnh, không cho bệnh nhân ngâm rửa bằng nước sạch, vì cho rằng rửa sẽ gây nên phổng; xuất hiện nốt phổng lại cho là độc nên phải bóc bỏ đi. Việc bóc nốt phổng sẽ khiến bệnh nhân rất đau đớn, mất dịch, mất nước và bị nhiễm khuẩn cao, trong trường hợp bỏng nặng, sâu có thể gây nguy hiểm tới tính mạng của nạn nhân.

"Nhiều người cho rằng, nên để hở vết bỏng, không che phủ, khi bị bỏng phải dùng đá trực tiếp chườm lên, hay dùng nước đá lạnh dội vào chỗ bỏng. Tuy nhiên, nếu chườm đá trực tiếp trong một thời gian sẽ gây nên hiện tượng bỏng lạnh, tổn thương do bỏng lạnh cũng diễn biến phức tạp và nặng nề không kém. Khi bệnh nhân đang bị bỏng nhiệt, đặc biệt bỏng rộng, ngoài nóng rát còn có yếu tố mất nhiệt của cơ thể, nên khi chườm đá vào sẽ làm tăng thêm yếu tố mất nhiệt" - BS Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết.

Bên cạnh đó, nhiều người khi bị bỏng đã nghe mách bảo từ những người không có chuyên môn, chữa trị bằng các loại thuốc hoặc dược liệu không rõ nguồn gốc. Có những những bệnh nhân khi bị bỏng đã đắp lá, thậm chí đắp bùn, đổ vôi, đổ nước mắm, hay cuốn lá chuối xung quanh, vô cùng nguy hiểm.

BS Nguyễn Ngọc Tuấn cũng cho biết, thời gian gần đây gia tăng bệnh nhân sau khi bị bỏng đã không đến cơ sở y tế, mà đến các cơ sở tư nhân không có chuyên khoa về bỏng, không có kiến thức về bỏng để điều trị, khiến diễn biến bỏng nặng hơn.

"Trong trường hợp bị bỏng mà gây ra rối loạn toàn thân sẽ rất nguy hiểm, chúng tôi khuyên nên đến cơ sở y tế, bởi vì người dân không chẩn đoán chính xác được diện bỏng bao nhiêu là nguy hiểm; người dân cũng không biết thế nào là bỏng sâu, bỏng nông, nếu không chữa trị kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng" - BS Nguyễn Ngọc Tuấn chia sẻ.

Bác sĩ cũng cho biết, người dân nên cẩn trọng với những lời quảng cáo trên các trang mạng xã hội như chữa bỏng không phải thay băng, không để lại sẹo, dùng thuốc chỉ một lần. Bởi bỏng có để lại sẹo hay không hoàn toàn phụ thuộc vào độ sâu, khi tổn thương bỏng toàn bộ lớp da, chắc chắn sẽ để lại sẹo, trước khi để lại sẹo thì bệnh nhân cần được phẫu thuật ghép da. Tại Viện Bỏng Quốc gia đã phải chữa trị, khắc phục cho nhiều nạn nhân đến viện trong tình trạng bệnh nặng, nguy hiểm tới tính mạng bởi đã tự ý chữa trị hoặc chữa trị bằng các loại lá.

Ngoài ra, bác sĩ Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Giám đốc Viện Bỏng Quốc gia khuyến cáo, khi người thân hay bản thân bị bỏng nên đến các cơ sở y tế để chữa trị. Nếu chữa trị không đúng cách, sơ cứu không đúng, sẽ khiến cho tình trạng bỏng nặng hơn mà thời gian vàng chữa trị cũng sẽ mất đi.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Nhãn:

Đăng nhận xét

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.