Trong 2 giờ, các chuyên gia Y tế đã giải đáp các thắc mắc về bệnh Zika, đặc biệt là những ảnh hưởng của bệnh Zika đến phụ nữ mang thai và phương thức phòng ngừa căn bệnh này.

Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy, virus Zika có thể lây truyền từ mẹ sang thai nhi nếu thai phụ bị nhiễm trong những tháng đầu thai kỳ, và gây nguy cơ dị tật đầu nhỏ (teo não) cho trẻ, với các biểu hiện thiểu năng trí tuệ, khuyết tật vận động, liệt và nhiều bệnh khác.

Đáng ngại là, thai phụ nhiễm virus Zika lại thường chỉ có biểu hiện lâm sàng nhẹ: sốt dưới 38 độ, viêm kết mạc hoặc xung huyết kết mạc, đau khớp hoặc phù quanh khớp, đau cơ. Khiến bệnh đầu nhỏ do virus Zika thường được phát hiện ở tháng cuối thai kỳ, khi người mẹ chỉ có thể giữ thai để sinh.

Nguy hiểm hơn, virus Zika dễ lây lan do muỗi đốt và có thể lây truyền qua đường tình dục. Theo nhận định của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh do virus zika đã trở thành bệnh lưu hành; với số địa phương có người mắc bệnh ngày càng mở rộng, và có thể bùng phát thành dịch trên diện rộng ở Việt Nam.

Tính đến ngày 20/11/2016 cả nước có 70 trường hợp nhiễm virus Zika, trong đó chủ yếu ở TP.HCM (với 62 trường hợp). Các địa phương khác cũng ghi nhận các ca bệnh, gồm Đăk Lăk, Bình Dương, Khánh Hòa, Phú Yên, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong đó một em bé 4 tháng tuổi ở Đăk Lăk là em bé Việt Nam đầu tiên được ghi nhận mắc dị tật đầu nhỏ do mẹ nhiễm virus Zika trong thai kỳ.

Dù dịch Zika đang “tiềm ẩn” khó lường ở Việt Nam, người dân lại có thể chưa nhìn thấy tính nghiêm trọng của dịch bệnh để có ý thức phòng ngừa cũng như xử trí đúng.

Để cung cấp cho bạn đọc hiểu biết cần thiết về dị tật đầu nhỏ do virus Zika, từ đó tích cực tham gia phòng chống dịch bệnh, báo VietNamNet phối hợp với Bộ Y tế tổ chức buổi Tư vấn trực tuyến Dịch bệnh và Dị tật đầu nhỏ do virus Zika.

Tư vấn: Dịch bệnh và Dị tật đầu nhỏ do virus Zika
Nhà báo Lê Thế Vinh- Phó Tổng Biên tập Báo VietNamNet tặng hoa các khách mời. Ảnh: Lê Anh Dũng

Khách mời:

- BS Nguyễn Cảnh Chương, PGĐ Trung tâm Sàng lọc chẩn đoán Trước sinh và Sơ sinh - Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.

- BS. Phạm Hùng- Trưởng phòng Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế.

NỘI DUNG BUỔI GIAO LƯU

Nguyên Phong , Nam - 27  Tuổi

Hiện các ca bệnh do Zika phát hiện rất rải rác, nếu số mắc rộng hơn sẽ đối phó như thế nào ạ?

BS Phạm Hùng: Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với các tình huống về dịch bệnh do vi rút Zika để có các giải pháp đáp ứng phù hợp với từng tình huống về dịch bệnh. Kế hoạch này đã được ban hành theo Quyết định số 460/QĐ-BYT ngày 05/02/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Trong trường hợp ghi nhận số mắc lan rộng, Bộ Y tế sẽ phối hợp với chính quyền địa phương, các ban nghành, đoàn thể tăng cường huy động các nguồn lực, đẩy mạnh triển khai công tác phòng chống theo tình huống 3 của kế hoạch này.

Tư vấn: Dịch bệnh và Dị tật đầu nhỏ do virus Zika
Toàn cảnh buổi giao lưu. Ảnh: Lê Anh Dũng

Nguyệt Nga , Nữ - 25  Tuổi

Nếu phụ nữ mang thai bị xác định là nhiễm virus Zika có bao nhiêu % con sẽ bị dị tật đầu nhỏ? Có nhất thiết phải bỏ thai? Nếu nhiễm virus Zika sau bao lâu mang thai là an toàn? Xin BS tư vấn giúp

BS Nguyễn Cảnh Chương: Nếu phụ nữ trong 3 tháng đầu của thời kì mang thai bị nhiễm virus Zika thì tỉ lệ 1 đến 10% trẻ sơ sinh ra đời bị tật đầu nhỏ, chính vì vậy những phụ nữ bị nhiễm Zika trong thời kì mang thai không nhất thiết phải bỏ thai mà cần theo dõi để xác định tình trạng và mức độ mắc tật đầu nhỏ của thai nhi để có thái độ xử trí phù hợp. Nếu mắc virus Zika thì lời khuyên an toàn là sau 3 tháng.

Vũ Yến , Nữ - 25  Tuổi

Nhìn hình các bé bệnh đầu nhỏ cũng hết sức đau lòng. Xin nhờ bác sĩ giải thích dùm: Trẻ sinh ra bị bệnh đầu nhỏ, sẽ sống được bao lâu? Bệnh đầu nhỏ ảnh hưởng thế nào đến trí não và sinh hoạt của bé?

BS Nguyễn Cảnh Chương: Tật đầu nhỏ do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra như: di truyền, nhiễm độc, nhiễm khuẩn...và virus zika là một tác nhân gây đầu nhỏ tùy theo mức độ trầm trọng của bệnh và nguyên nhân gây bệnh trẻ sơ sinh sẽ bị thiểu năng trí tuệ, động kinh, rối loạn hành vi, chậm phát triển tâm thần hoạt động và thời gian sống của trẻ cũng phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ của bệnh.

Nguyễn Ngọc , Nữ - 27  Tuổi

Bộ Y tế khuyến cáo phụ nữ có thai nên chủ động đi đăng ký theo dõi thai sản sớm để được khám, theo dõi sức khỏe định kỳ cho cả thai phụ và thai nhi. Vậy những nơi nào có thể xét nghiệm phát hiện virus Zika? Khi mang thai có nhất thiết phải đi xét nghiệm Zika?

BS Nguyễn Cảnh Chương: Khi mang thai các thai phụ không nhât thiết phai xét nghiệm Zika vì hiện tại việc theo dõi, tầm soát để phát hiện sớm dị tật đầu nhỏ khi mang thai được thực hiện thường quy trong những lần siêu âm khảo sát hình thái của thai nhi. Mặt khác tật đầu nhỏ do rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra và có thể được phát hiện nhờ siêu âm thường qui.

Mai Phương , Nữ - 28  Tuổi

Người bị bệnh Zika thì sau bao lâu có thể quan hệ tình dục trở lại, thưa bác sĩ?

BS Nguyễn Cảnh Chương: Trên thế giới đã ghi nhận được những trường hợp mắc Zika qua đương tình dục ở Mỹ và Pháp tuy vậy chưa có những nghiên cứu cụ thể xác định được thời gian quan hệ tình dục an toàn sau mắc bệnh. Chính vì vậy người mắc virus Zika nên thực hiện quan hệ tình dục có biện pháp bảo vệ để phòng chống nguy cơ lây nhiễm bệnh.

Hồng Chuyên , Nam - 30  Tuổi

Trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, nếu mắc Zika có nguy hiểm hơn người lớn không, những biến chứng nguy hiểm nhất là gì và đề phòng thế nào?

BS Nguyễn Cảnh Chương: Ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi cũng có thể mắc Zika tuy nhiên ít bị các biến chứng nguy hiểm hơn so với ngươi lớn, các biến chứng trầm trọng của bệnh là hội chứng Guinllain - Barre' viêm não màng não... nhưng đa số các trường hợp bệnh chỉ biểu hiện nhẹ thoáng qua như sốt, nổi ban, đau khớp...

Tư vấn: Dịch bệnh và Dị tật đầu nhỏ do virus Zika
BS Nguyễn Cảnh Chương tư vấn trực tuyến cách phát hiện sớm dị tật đầu nhỏ ở thai nhi. Ảnh: Lê Anh Dũng

Minh Thành , Nam - 32  Tuổi

Liệu Zika có nguy cơ thành dịch như dịch SARS năm 2002 hay không? Bộ Y tế đánh giá về nguy cơ này như thế nào và có phương án dự phòng như thế nào?

ThS.Bs Phạm Hùng: SARS là hội chứng viêm đường hô hấp cấp tính nặng do một loại vi rút có tên là Corona gây ra. Bệnh nặng tiến triển nhanh và có tỷ lệ tử vong cao. Dịch SARS bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam ngày 23/2/2003 khi thương nhân người Mỹ gốc Hoa từ Hồng Kông đến Việt Nam, đến ngày 8/4/2003, Việt Nam đã có 63 người mắc, trong đó có 5 trường hợp tử vong. Từ đó đến nay không có thêm trường hợp nào nhiễm bệnh.

Qua kết quả giám sát, vi rút Zika đã lưu hành và gây bệnh ở người tại Việt Nam. Muỗi truyền bệnh lưu hành rộng trên cả nước và ở hầu hết các quốc gia trong khu vực. Do vậy, trong thời gian tới, có thể sẽ ghi nhận thêm các trường hợp mắc do sự giao lưu thương mại, du lịch giữa các địa phương trong nước và các quốc gia trong khu vực.

Bộ Y tế thường xuyên đánh giá nguy cơ dịch bệnh do vi rút Zika, cập nhật điều chỉnh kế hoạch đáp ứng dịch bệnh theo các tình huống; liên tục cập nhập tình hình và có thông tin rộng rãi khuyến cáo để người dân chủ động phòng chống, tránh gây hoang mang trong cộng đồng dân cư. Bệnh do vi rút Zika thường có biểu hiện hiện triệu chứng nhẹ, tự khỏi và không để lại di chứng, khoảng 80% số trường hợp nhiễm vi rút Zika không có biểu hiện triệu chứng. Dịch bệnh do vi rút Zika sẽ không rầm rộ và nguy hiểm như dịch bệnh SARS. Mục tiêu hiện nay là triển khai quyết liệt các biện pháp nhằm hạn chế thấp nhất sự lan truyền vi rút Zika tại cộng đồng và phòng lây nhiễm vi rút Zika ở các bà mẹ mang thai.

Bộ Y tế cũng ban hành các hướng dẫn về giám sát, phòng chống, chẩn đoán, điều trị, hướng dẫn chăm sóc phụ nữ mang thai và tổ chức tập huấn cho toàn bộ ngành y tế trên cả nước. Chuẩn bị sẵn sàng vật tư, hóa chất, trang thiết bị, để thu dung điều trị bệnh nhân nếu dịch xảy ra. Các hoạt động giám sát, phát hiện người mắc Zika được tăng cường, đặc biệt là có các biện pháp khám sàng lọc để phát hiện phụ nữ mang thai nghi mắc Zika và trẻ sơ sinh nghi mắc chứng đầu nhỏ có liên quan đến Zika. Từ đó, có biện pháp tư vấn và điều trị phù hợp. Bộ Y tế cũng phát động chiến dịch người dân tự diệt muỗi, diệt lăng quăng bọ gậy để phòng vi rút Zika lần 1 và 2 trên quy mô cả nước.

Tư vấn: Dịch bệnh và Dị tật đầu nhỏ do virus Zika
BS Phạm Hùng giải đáp thắc mắc về virus Zika. Ảnh: Lê Anh Dũng

Hồng Vân , Nữ - 28  Tuổi

Bé sơ sinh nếu không may bị nhiễm Zika có sợ bị dị tật đầu nhỏ không thưa BS?

BS Nguyễn Cảnh Chương: Virus Zika có liên quan đên dị tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh có bà mẹ bị virus. Các trẻ sơ sinh bình thường mắc virus Zika sau khi sinh sẽ không có nguy cơ bị dị tật đầu nhỏ.

Minh Sang , Nam - 26  Tuổi

Xin kính chào bác sĩ, Zika nguy hiểm như thế nào, thưa bác sĩ? Xin nhờ bác sĩ giải thích rõ ảnh hưởng của bệnh Zika với nam và nữ? Nếu người bình thường, không mang thai nhiễm Zika có ảnh hưởng đến sức khỏe không ạ? Kính gửi đến hai bác sĩ lời cảm ơn và chúc sức khỏe.

BS Nguyễn Cảnh Chương: Zika là một bệnh truyền nhiễm gây ra do virus Zika truyền từ người sang người chủ yếu qua muỗi đốt, bệnh biểu hiện giống nhau ở nam và nữ. Trong đa số các trường hợp biểu hiện của bệnh là nhẹ với các triệu chứng như sốt, phát ban, đau khớp, viêm kết mạc... chỉ một số rất ít trường hợp có biểu hiện nặng như hội chứng viêm tủy, viêm não màng não... Đặc biệt virus Zika có liên quan đến dị tật đầu nhỏ ở các trẻ sơ sinh có bà mẹ nhiễm bệnh. Bệnh có nguy cơ lan rộng trong cộng đồng thành dịch do đây là một bệnh mới chưa có miễn dịch bảo vệ trong cộng đồng.

Ngọc Trâm , Nữ - 22  Tuổi

Dư luận xã hội đang sục sôi vì Zika, nhưng tôi nghe nói rằng, Tổ chức Y tế thế giới công bố rằng Zika không còn là tình trạng khẩn cấp toàn cầu. Vậy tôi xin hỏi các chuyên gia, trên thực tế chúng tôi nên nhìn nhận căn bệnh này như thế nào? Nó có phải là một dịch lớn ở Việt Nam và là căn bệnh cực kỳ nguy hiểm như mọi người đang hoang mang?

ThS.Bs Phạm Hùng: Ngày 01/2/2016, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố sự gia tăng các ca dị tật bẩm sinh nghiêm trọng tại Nam Mỹ có khả năng do virus Zika gây ra và coi đây là yếu tố đủ để cấu thành tình trạng khẩn cấp toàn cầu về y tế. Qua theo dõi đánh giá diễn biến tình hình cũng như tác động của dịch bệnh đối với sức khỏe cộng đồng, ngày 18/11/2016, WHO tổ chức cuộc họp trực tuyến lần thứ 5 của Ủy ban khẩn cấp thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế (2005) đã công bố nhiễm virus Zika không còn là sự kiện y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế.

Bệnh do virus Zika là bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm của Việt Nam, hiện đã lưu hành ở hầu hết các quốc gia trong khu vực. Việt Nam đã ghi nhận các trường hợp nhiễm virus rải rác tại 9 tỉnh, thành phố (TP.HCM, Bình Dương, Long An, Bà Rịa Vũng Tàu, Tây Ninh, Đắk Lắk, Gia Lai, Khánh Hòa, Phú Yên), số mắc tập trung chủ yếu tại khu vực phía Nam. Bệnh có triệu chứng thường nhẹ, nhẹ hơn bệnh sốt xuất huyết.

Khoảng 80% người nhiễm virus Zika không có biểu hiện bệnh, số còn lại biểu hiện bệnh nhẹ, khỏi bệnh sau một tuần điều trị triệu chứng thông thường và không để lại di chứng. Số ít trường hợp phụ nữ mang thai nhiễm virus Zika trong 3 tháng đầu thai kỳ có thể sinh con tật đầu nhỏ với tỷ lệ khoảng 1-10% trong số các trường hợp phụ nữ mang thai nhiễm virus Zika.

Do đó, người dân không nên quá lo lắng, phụ nữ mang thai nên siêu âm thai định kỳ, khám sàng lọc trước sinh để phát hiện sớm chứng đầu nhỏ ở thai nhi. Khi có biểu hiện của bệnh, cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, xét nghiệm khi cần thiết.

Tư vấn: Dịch bệnh và Dị tật đầu nhỏ do virus Zika

Thanh Trà , Nữ - 27  Tuổi

Virus Zika phòng tránh thế nào? Xin hỏi nếu đã bị muỗi đốt rồi thì ngăn ngừa kiểu gì là phù hợp? Ăn uống hay dùng thuốc gì khi đã bị muỗi đốt để tăng sức đề kháng? Cảm ơn bác sĩ.

ThS.Bs Phạm Hùng: Bệnh do virus Zika và bệnh sốt xuất huyết hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có vắc xin phòng bệnh. Bệnh do virus Zika và bệnh sốt xuất huyết lây truyền chủ yếu qua muỗi vằn. Loài muỗi này sống ở trong và xung quanh nhà, sinh sản trong các vật chứa, đọng nước sạch (dù là rất ít nước). Do vậy biện pháp phòng bệnh chủ yếu là phòng chống muỗi đốt, diệt muỗi và loại trừ các ổ lăng quăng (bọ gậy) như:

- Ngủ màn, mặc quần áo dài kể cả ban ngày.

- Dùng kem xua muỗi, hương muỗi, vợt bắt muỗi, xịt hóa chất diệt muỗi và tích cực phối hợp với Bộ Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng dịch.

- Loại bỏ lăng quăng (bọ gậy) bằng cách đậy kín các dụng cụ chứa nước sinh hoạt, thả cá vào chum vại chứa nước, thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, thu dọn các vật dụng không chứa nước. Thường xuyên thay nước bình bông, bình hoa, bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn, thu gom tiêu hủy các vật phế thải, lốp xe có thể gây đọng nước nhằm không để muỗi phát triển và sinh sản.

Nguyễn Hiếu , Nam - 25  Tuổi

Bác sĩ ơi, tôi nghe nói 90% bệnh nhân bị bệnh Zika đều ảnh hưởng đến tinh hoàn. Sự thật thông tin này như thế nào, có đúng là bệnh làm ảnh hưởng đến chức năng sinh sản của nam giới không, kính mong bác sĩ tư vấn. Chân thành cảm ơn.

BS Nguyễn Cảnh Chương: Hiện nay có nhiều thông tin trên mạng internet về virus Zika gây viêm tinh hoàn, tuy nhiên các nhà khoa học vẫn chưa ghi nhận được trường hợp nào trên lâm sàng biểu hiện viêm tinh hoàn có liên quan đến virus zika vì vậy trong khi chờ đợi những nghiên cứu tiếp theo chúng ta cần tích cực phòng chống sự lây truyền của bệnh để hạn chế những tác hại biến chứng do bệnh gây ra.

Huyền My , Nữ - 25  Tuổi

Tác nhân truyền sốt xuất huyết và bệnh virus Zika đều là loài muỗi Aedes. Biểu hiện lâm sàng của hai bệnh gần giống nhau: sốt, phát ban, viêm kết mạc, đau cơ… Vậy làm thế nào để phân biệt hai bệnh này?

ThS.Bs Phạm Hùng: Bệnh do virus Zika là bệnh truyền nhiễm, chủ yếu do muỗi vằn (Aedes) truyền bệnh và đây cũng là véc tơ truyền bệnh sốt xuất huyết. Phần lớn, người nhiễm virus Zika thường không rõ triệu chứng lâm sàng, số ít có triệu chứng gần giống với biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết nhẹ như sốt, phát ban, viêm kết mạc, đau cơ…

Biểu hiện lâm sàng điển hình của bệnh do virus Zika: Có phát ban và kèm theo ít nhất 2 trong số các triệu chứng: Sốt (thường dưới 38,5 độ C); Viêm kết mạc mắt sung huyết, không mủ; Đau khớp, phù quanh khớp; Đau cơ.

Biểu hiện lâm sàng của bệnh sốt xuất huyết: Thường có biểu hiện sốt cao đột ngột, liên tục từ 2 - 7 ngày và có ít nhất 2 trong các dấu hiệu: Biểu hiện xuất huyết có thể ở nhiều mức độ khác nhau như nghiệm pháp dây thắt dương tính, chấm/mảng xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam; Nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, nôn; Da xung huyết, phát ban; Đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt; Vật vã, li bì; Đau bụng vùng gan hoặc ấn đau vùng gan.

Tư vấn: Dịch bệnh và Dị tật đầu nhỏ do virus Zika

Ngọc Duyên , Nữ - 19  Tuổi

Nhờ các bác sĩ cho tôi hỏi: phụ nữ có thai bao nhiêu tháng thì bệnh Zika sẽ ảnh hưởng đến thai nhi. Mới chớm có thai thì có phải bỏ bé, đến tháng thứ mấy thì Zika ảnh hưởng đến bé. Và nếu gần sanh mới bị bệnh Zika thì có ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi không? Chân thành cảm ơn.

BS Nguyễn Cảnh Chương: Phụ nữ mang thai mắc virus Zika trong 3 tháng đầu có thể gây nên dị tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh với tỉ lệ từ 1 đến 10% đa số các trường hợp sẽ không có chỉ định đình chỉ thai nghén và việc theo dõi phát hiện dị tât đầu nhỏ ở thai nhi được thực hiện nhờ khám thai và siêu âm thường quy.

Vì vậy tất cả các phụ nữ mang thai đều cần được khám và quản lí thai nghén theo đúng quy trình để không những phát hiện dị tật đầu nhỏ do virus Zika mà còn phát hiện những bất thường khác của thai nhi cũng như những bệnh lí của mẹ trong thời kì mang thai.

Bích Thủy, Nữ - 24  Tuổi

Kính thưa các bác sĩ, theo cháu được biết, cách chủ yếu phòng chống muỗi là chính. Vậy xin các bác sĩ cho biết loại thuốc bôi tránh muỗi nào an toàn cho bà bầu và trẻ sơ sinh không ạ. Vì trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại kem bôi chống muỗi, làm cho người tiêu dùng phân vân ạ. Cháu xin chân thành cảm ơn.

BS Nguyễn Cảnh Chương: Biện pháp chủ yếu để phòng chống Zika là phòng chống muỗi đốt gồm rất nhiều phương pháp khác nhau như diệt muỗi, diệt bọ gậy, nằm màn, sử dụng các loại thuốc phòng chống muỗi đốt...

Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại thuốc bôi chống muỗi đều chứa các thành phần chủ yếu là các chất xua đuổi côn trùng và không có loại nào là an toàn tuyệt đối cho bà mẹ và trẻ sơ sinh. Thuốc có thể gây dị ứng tại chỗ năng hơn, có thể gây viêm da thậm chí nhiễm độc, chính vì vậy việc sử dụng các thuốc bôi chống muỗi cho trẻ sơ sinh và phụ nữ có thai cần hết sức thận trọng và tuân theo chỉ định của bác sĩ.

Thu Thủy , Nữ - 21  Tuổi

Ngoài Zika, có những căn bệnh nguy hiểm nào mà phụ nữ mang thai như chúng tôi cần đề phòng trong mùa này? Có những biện pháp nào phòng ngừa không (thuốc men, chích ngừa…). Khi có dấu hiệu bệnh, chúng tôi nên đến BV phụ sản hay BV chuyên về truyền nhiễm để khám thì thích hợp?

BS Nguyễn Cảnh Chương: Trong thời kì mang thai có nhiều bệnh nhiễm khuẩn có thể gây ảnh hưởng đến bà mẹ và thai nhi như Rubella, Toxoplasma, CMV, viêm gan B... Để phòng tránh các bệnh này có nhiều biện pháp khác nhau trong đó tiêm vacxin là biện pháp phòng bệnh chủ động quan trọng. Trước khi mang thai chị em phụ nữ nên đi khám tổng quát để nhận được những lời khuyên của các chuyên gia y tế về các biện pháp phòng tránh bệnh tật trong thời kì mang thai. Các chuyên gia y tế sẽ phối hợp giữa các chuyên khoa như sản khoa, truyền nhiễm, nội khoa...để đưa ra lời khuyên thích hợp cho từng trường hợp cụ thể.

Thanh Nga , Nữ - 30  Tuổi

Nếu trẻ bị chứng đầu nhỏ sẽ ảnh hưởng như thế nào đến thể chất và trí tuệ? Có cách nào chữa chứng đầu nhỏ cho trẻ hay không (phẫu thuật chẳng hạn)?

ThS.Bs Phạm Hùng: Các ảnh hưởng bao gồm đầu nhỏ hoặc vôi hóa nội sọ, có thể kèm theo các dị tật bẩm sinh khác như bất thường về thần kinh (giảm khối lượng nhu mô não, teo hoặc dị tật vỏ não, biểu hiện tăng hoặc giảm trương lực cơ, co cứng...), dị tật của mắt, khuyết tật thính giác, vẹo chân hoặc cơ cứng khớp, giảm vận động.

Dị tật đầu nhỏ gồm nhiều căn nguyên gây ra, phổ biến là: a) nhiễm trùng trong tử cung (bệnh do toxoplasma, rubella, herpes, giang mai, cytomegalovi rút và HIV); b) Phơi nhiễm với các hóa chất độc (kim loại nặng như arsenic và thủy ngân, rượu, phóng xạ và hút thuốc); c) Bất thường di truyền như hội chứng Down; d) suy dinh dưỡng nghiêm trọng trong thời kỳ mang thai.

Hiện chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu cho các trường hợp đầu nhỏ. Trẻ sơ sinh mắc chứng đầu nhỏ cần được theo dõi sát trong những năm đầu. Thường xuyên chụp hình ảnh sọ não để đánh giá sự phát triển của não, nhằm can thiệp phẫu thuật kịp thời nếu não còn phát triển, đồng thời thực hiện các biện pháp vật lý trị liệu phục hồi chức năng để cải thiện chất lượng sống cho trẻ.

Hồng Ngát , Nữ - 29  Tuổi

Việt Nam là nước đã ghi nhận sự lưu hành virus Zika, vậy đến thời điểm này dịch đã có ở những địa phương nào và bao nhiêu người mắc. Gia đình tôi ở nông thôn xung quanh khá nhiều cây cối, ao vườn. Vậy làm thế nào để phòng bệnh hiệu quả?

ThS.Bs Phạm Hùng: Hầu hết các quốc gia trong khu vực đều đã ghi nhận các trường hợp nhiễm virus Zika, Việt Nam là nước đã ghi nhận sự lưu hành virus Zika. Từ đầu năm 2016 đến nay ở nước ta đã ghi nhận 99 trường hợp nhiễm virus Zika rải rác tại 9 tỉnh, thành phố (TP.HCM, Bình Dương, Long An, Bà Rịa Vũng Tàu, Tây Ninh, Đắk Lắk, Gia Lai, Khánh Hòa, Phú Yên), số mắc tập trung chủ yếu tại khu vực phía Nam.

Bệnh do virus Zika chưa có vắc xin phòng bệnh, bệnh lây truyền chủ yếu qua muỗi vằn. Loài muỗi này sống ở trong và xung quanh nhà, sinh sản trong các vật chứa nước sạch. Để chủ động phòng chống bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo người dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai cần thưc hiện các biện pháp phòng chống muỗi đốt, diệt muỗi và lăng quăng (bọ gậy) như:

- Ngủ màn, mặc quần áo dài kể cả ban ngày.

- Dùng kem xua muỗi, hương muỗi, vợt bắt muỗi, xịt hóa chất diệt muỗi, tích cực phối hợp với Bộ Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng dịch.

- Loại bỏ lăng quăng (bọ gậy) bằng cách đậy kín các dụng cụ chứa nước sinh hoạt, thả cá vào chum vại chứa nước, thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, thu dọn các vật dụng không chứa nước, thường xuyên thay nước bình bông, bình hoa, bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn, thu gom tiêu hủy các vật phế thải, lốp xe có thể gây đọng nước.

- Phụ nữ mang thai nên chủ động đăng ký theo dõi thai sản sớm để được theo dõi sức khỏe định kỳ, chẩn đoán trước sinh, theo dõi vòng đầu để phát hiện các dấu hiệu cảnh báo về chứng đầu nhỏ ở thai nhi. Nếu có triệu trứng nghi ngờ nhiễm bệnh, hãy đến cơ sở y tế để thăm khám và tư vấn điều trị, xét nghiệm khi cần thiết.

Thái Thanh Liệt , Nam - 30  Tuổi

Thưa BS, cho em xin hỏi: vợ em đang có mang thai trong tuần 26 vậy nếu bị muỗi ZIKA cắn phải thì có bị nguy hiểm đến thai nhi không ạ! và có cách nào phòng tránh hay thuốc tiêm ngừa gì không?

BS Nguyễn Cảnh Chương: Hiện tại chúng ta chưa có vacxin tiêm ngừa bệnh zika, tuy vậy ở tuổi thai 26 tuần ảnh hưởng của virus zika đến thai nhi là rất hạn chế. Vì vậy bạn có thể yên tâm khám và theo dõi quản lý thai theo quy trình thường quy.

Thanh Tùng , Nam - 38  Tuổi

Nhờ bác sĩ giải thích giùm tôi: nếu làm xét nghiệm thì sau bao lâu mới biết mình có mắc bệnh Zika không? Xét nghiệm như thế nào và phương pháp xét nghiệm? Chân thành cảm ơn.

ThS.Bs Phạm Hùng: Người dân khi có dấu hiệu phát ban hoặc sốt nhẹ kèm theo ít nhất một trong số các triệu chứng như: đau mỏi cơ, khớp, viêm kết mạc mắt, cần đến cơ quan y tế (bệnh viện, TTYT quận, huyện, tỉnh, thành phố) để được khám, tư vấn và lấy mẫu xét nghiệm khi cần thiết.

Qua thăm khám, trong trường hợp có biểu hiện triệu chứng nghi nhiễm virus Zika, cơ sở y tế sẽ tiến hành lấy mẫu (xét nghiệm miễn phí) gửi đến các phòng xét nghiệm của các Viện Vệ sinh Dịch tễ, Pasteur, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM. Kết quả xét nghiệm sẽ được gửi trả các cơ sở y tế gửi mẫu ngay sau khi có kết quả.

Người dân không nên tự yêu cầu xét nghiệm xác định virus Zika khi chưa có ý kiến tư vấn của cán bộ y tế. Việc xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ nhiễm virus Zika chỉ tiến hành khi có chỉ định của cơ quan y tế. Các kỹ thuật xét nghiệm để khẳng định Zika hiện nay đang sử dụng bao gồm:

- Sử dụng mồi đặc hiệu để xác định đoạn gen đặc hiệu của virus Zika bằng kỹ thuật sinh học phân tử (Real time RT-PCR), hoặc

- Xác định được kháng thể IgM kháng virus Zika và có hiệu giá kháng thể trung hòa (PRNT90) với virus Zika ≥ 20 và cao gấp từ 4 lần trở lên so với nồng độ vi rút flavi khác, đồng thời đã loại trừ nhiễm virus flavi khác.

- Ngoài ra còn phương pháp nuôi cấy phân lập virus Zika.

Trần Hà , Nữ - 18  Tuổi

Hôm trước có một người đến nhà tôi tự xưng là người ở công ty vệ sinh dịch tễ và hỏi gia đình có phun thuốc diệt kiến, muỗi, côn trùng phòng trừ kiến ba khoang, muỗi truyền Zika hay không? Xin ông tư vấn giúp có tin được những người này hay không? Việc phun thuốc diệt muỗi trong nhà có đảm bảo được cả nhà không bị nhiễm Zika không ạ?

ThS.Bs Phạm Hùng: Để bảo đảm hiệu quả diệt muỗi, an toàn đối với người và vật nuôi, các đơn vị tổ chức phun hóa chất diệt muỗi phải tuân thủ chỉ định chuyên môn qua kết quả điều tra trường hợp bệnh và kết quả giám sát muỗi, bọ gậy theo hướng dẫn của Bộ Y tế và sử dụng hóa chất theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Người dân có thể sử dụng các bình xịt muỗi được sản xuất sẵn hiện có trên thị trường, được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành, còn hạn sử dụng... để diệt muỗi trong và xung quanh nhà. Trong trường hợp cần diệt quần thể muỗi nghi ngờ đã nhiễm virus do chích đốt người bệnh, để phòng tránh lây lan virus trong cộng đồng, cơ sở y tế sẽ tổ chức diệt muỗi, có thông báo với chính quyền địa phương và các cụm dân cư để phối hợp thực hiện.

Để bảo đảm biện pháp phòng tránh muỗi đốt một cách hiệu quả, bền vững, mỗi người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp diệt muỗi, lăng quăng (bọ gậy) theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Hoàng Bách , Nam - 34  Tuổi

Ông có thể cho biết các con đường lây truyền virus Zika và cách hiệu quả để phòng tránh căn bệnh này? Cảm ơn ông!

ThS.Bs Phạm Hùng: Bệnh do virus Zika là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây truyền chủ yếu do muỗi Aedes chích hút máu người bệnh truyền vi rút cho người khác khi chích đốt. Ngoài ra bệnh có thể lây truyền qua đường tình dục, đường máu và từ mẹ sang con. Theo một vài nghiên cứu gần đây, virus Zika còn có thể lây truyền qua dịch nước mắt.

Mai Hương , Nữ - 30  Tuổi

Việt Nam đã có những nghiên cứu nào về Zika chưa thưa ông Hùng?

ThS.Bs Phạm Hùng: Hiện các Viện Vệ Sinh Dịch Tễ, Pasteur đang triển khai các nghiên cứu về Zika bao gồm dịch tễ học, vi rút học và phối hợp trong các nghiên cứu khác có liên quan đến vi rút Zika.

Ngọc Lan , Nữ - 31  Tuổi

Hiện em đang sinh sống và làm việc ở Khánh Hòa. Dù không phải ở tâm dịch như TPHCM hay Lâm Đồng nhưng em khá lo lắng bởi khu vực này khá gần với Lâm Đồng và em cũng thường xuyên đi công tác ở TPHCM. Xin hỏi BS nếu 1 người ở vùng khác tới tâm dịch thì nên có những biện pháp phòng tránh, bảo vệ nào ạ? Em xin chân thành cám ơn.

ThS.Bs Phạm Hùng: Để chủ động phòng chống bệnh do virus Zika đối với người đến vùng có dịch, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện một số biện pháp sau:

- Không hạn chế việc đi lại của người dân giữa các khu vực và địa phương; tuy nhiên, người đi, đến, về từ vùng có dịch bệnh do virus Zika cần chủ động theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày, nếu có biểu hiện bệnh hãy đến cơ sở y tế để chủ động khai báo về tiền sử đi lại và được khám, tư vấn, điều trị.

- Người đang sinh sống ở vùng có dịch bệnh hoặc từ vùng dịch trở về, cần sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục hoặc không quan hệ tình dục với vợ hoặc bạn tình đang trong suốt quá trình mang thai hoặc dự định có thai, hoặc trong ít nhất 6 tháng để phòng lây truyền Zika qua đường tình dục.

- Người đang sinh sống ở vùng có dịch bệnh do virus Zika chủ động theo dõi sức khỏe, nếu có biểu hiện bệnh hãy đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị.

- Đối với phụ nữ có thai tại vùng dịch và đi về từ vùng có dịch nếu có các triệu chứng như sốt, phát ban hoặc các dấu hiệu khác của bệnh cần đến cơ sở y tế để chủ động khai báo về tiền sử đi lại và được khám, tư vấn, xét nghiệm.

- Phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu, đang sinh sống hoặc đã từng đến vùng có dịch mà có sốt hoặc phát ban và có ít nhất một trong số các triệu chứng đau mỏi cơ/khớp, viêm kết mạc mắt cần được xét nghiệm phát hiện virus Zika.

- Ngoài ra, người dân cần áp dụng các biện pháp chống muỗi đốt, chủ động diệt muỗi và bọ gậy (lăng quăng) theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Phương Anh , Nữ - 23  Tuổi

Xin cho biết virus Zika có thể biến đổi trở nên nguy hiểm hơn không? Ngoài tật đầu nhỏ và gây viêm tinh hoàn ở nam giới thì nó có thể đe dọa gì đến sức khỏe con người?

ThS.Bs Phạm Hùng: Virus Zika cũng giống như các vi sinh vật khác đều có thể biến đổi gen để trở nên nguy hiểm hơn phụ thuộc và nhiều yếu tố như: tác động của chọn lọc tự nhiên, điều kiện môi trường, tái tổ hợp gen… làm thay đổi cấu trúc gen của vi rút dẫn đến thay đổi độc tính của chúng.

Bệnh nhiễm virus Zika thường nhẹ và tự khỏi, tuy vậy bệnh có thể để lại di chứng ở một số rất ít các trường hợp phụ nữ mang thai, đặc biệt mang thai trong 3 tháng đầu có thể sinh trẻ mắc chứng đầu nhỏ; hội chứng Guillain-Barré là một tình trạng mà trong đó hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công một phần của hệ thần kinh, gây yếu cơ, tê liệt thần kinh; ngoài ra còn có thể gây viêm teo tinh hoàn ở nam giới.

Hoài Mộng , Nữ - 20  Tuổi

Bị bệnh do Zika có cần phải kiêng gì không thưa bác sĩ? Bệnh thường xảy ra vào mùa nào? Bệnh có tiến triển mạnh vào thời điểm giao mùa như hiện tại không ạ? Cảm ơn bác sĩ.

ThS.Bs Phạm Hùng: Bệnh thường nhẹ và có thể tự khỏi. khi bị bệnh, không cần phải kiêng gì.

Khu vực miền Nam, miền Trung và Tây Nguyên có muỗi vằn (Aedes aegypti) lưu hành thường xuyên với mật độ cao. Muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết cũng là muỗi truyền bệnh do virus Zika. Nước ta có khí hậu nhiệt đới gió mùa, điều kiện thời tiết diễn biến bất thường, biến đổi khí hậu, hiện tượng Elnino, nhiều khu vực mưa trên diện rộng, nhiều khu vực hạn hán, tăng trữ nước trong các hộ gia đình, nhiều vật dụng phế thải như, nhiều lốp (vỏ) xe cũ để ngoài vườn, vỏ lon đồ hộp, gáo dừa, chai, lọ, chum vại và các vật thải có thể gây đọng nước không được xử lý là điều kiện thuận lợi cho muỗi đẻ trứng và phát triển đàn muỗi, đặc biệt là vào các tháng mùa mưa.

Miền Bắc cũng là địa bàn lưu hành muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết, hàng năm vẫn ghi nhận các trường hợp mắc sốt xuất huyết trên địa bàn. Hiện nay, miền Bắc vẫn chưa phát hiện trường hợp nhiễm virus Zika có thể là do quần thể muỗi vằn tại đây chưa lây nhiễm virus này. Hiện nay thời tiết trở lạnh, không thuận lợi cho đàn muỗi phát triển, mật độ muỗi vằn có thể giảm nhưng vẫn tồn tại trong cộng đồng và tiềm ẩn nguy cơ lan truyền virus Zika khi đốt phải người bệnh và có thể làm lan truyền sang người lành. Do mở rộng giao lưu đi lại giữa các địa phương trong nước và các quốc gia trong khu vực. Nguy cơ lây nhiễm, lan rộng từ các trường hợp nhiễm virus Zika từ địa phương này sang địa phương khác là rất lớn, nếu không phát hiện kịp thời các trường hợp mắc mới và áp dụng các biện pháp phòng muỗi đốt cho gia đình và cộng đồng.

Hoàng Ngọc , Nam - 39  Tuổi

Cho đến nay, đã có vắc xin hay thuốc đặc trị loại virus Zika chưa bác sĩ?

ThS.Bs Phạm Hùng: Hiện nay chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu bệnh do virus Zika. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có ít nhất 15 công ty và các nhóm chuyên gia đang nghiên cứu phát triển vắc xin phòng chống Zika và hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm.

Thanh Liêm , Nam - 56  Tuổi

Nhờ bác sĩ giải thích giúp: con muỗi mang virus Zika có khác muỗi thường không? Muỗi mang virus Zika là loại mới hay muỗi bình thường đột biến thành muỗi Zika? Cảm ơn bác sĩ rất nhiều.

ThS.Bs Phạm Hùng: Muỗi truyền bệnh do virus Zika là muỗi vằn Aedes Aegypti, là muỗi thường truyền bệnh sốt xuất huyết, sinh sống ở trong và xung quanh nhà, đẻ trứng ở các dụng cụ, vật chứa nước sạch. Đặc điểm là có vạch đen trắng trên thân, muỗi thường đốt vào ban ngày, đặc biệt vào lúc sáng sớm hoặc chiều tối, thường trú đậu ở nơi treo quần áo, rèm cửa.

Ngọc Hà , Nữ - 33  Tuổi

Bác sĩ ơi giúp em, em đang cảm thấy mình có một số triệu chứng của bệnh Zika. Chân tay em cũng có nhiều nốt muỗi đốt. Em lo quá. Em còn là sinh viên, chưa kiếm ra tiền nên, em xin phép hỏi bác sĩ: chi phí điều trị bệnh Zika là bao nhiêu tiền? Bệnh được điều trị trong khoảng bao lâu? Nếu bị bệnh Zika chữa khỏi có ảnh hưởng sức khỏe về sau này không? Chân thành cảm ơn.

ThS.Bs Phạm Hùng: Bệnh do virus Zika thường không có biểu hiện triệu trứng, khoảng 20% còn lại thường có biểu hiện bệnh nhẹ. Bệnh khỏi sau một tuần điều trị triệu chứng thông thường hoặc có thể tự khỏi mà không điều trị và không để lại di chứng gì về sau, do vậy bạn không nên quá lo lắng.

Khi có dấu hiệu phát ban hoặc sốt nhẹ kèm theo ít nhất một trong số các triệu chứng như: đau mỏi cơ, khớp, viêm kết mạc mắt, cần đến cơ quan y tế (bệnh viện, TTYT quận, huyện, tỉnh, thành phố) để được khám, tư vấn và lấy mẫu xét nghiệm khi cần thiết. Trong trường hợp có thai, cần theo dõi, siêu âm thai định kỳ, khám sàng lọc chẩn đoán trước sinh phát hiện sớm thai nhi mắc chứng đầu nhỏ để được xét nghiệm, tư vấn theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Lê Huệ , Nữ - 35  Tuổi

Cách đây 1 tháng, khi mang thai 8 tuần em bị chuẩn đoán sốt xuất huyết và nằm điều trị tại bệnh viện Hoàn Mỹ, tuy nhiên em không sốt cao, chỉ sốt khoảng 38 độ, sau 1 tuần thì xuất huyết da rất nhiều và gây ngứa nhiều trong 3 ngày. Em có xin tầm soát Zika nhưng BV Hoàn Mỹ trả lời không có hóa chất để làm và em đã liên hệ TT Y tế dự phòng TP Đà Nẵng nhưng họ trả lời không làm dịch vụ xét nghiệm này, chỉ khi BV có yêu cầu mới làm (không thu phí), BS Trưởng khoa (tên Hùng) có nói sẽ liên hệ với TT nhưng sau lại trả lời là không được. Giờ em đã khỏi sốt xuất huyết, em muốn tầm soát Zika thì có được nữa không? (trước đó em có hỏi BS Hùng thì bác nói vẫn làm được xét nghiệm kháng nguyên/kháng thể gì đó ạ) và ở Đà Nẵng thì em phải làm ở đâu? em cũng đã có ra 1 phòng khám ngoài để lấy máu gửi mẫu vào HCM nhưng sau khi liên hệ cũng trả lời là không được ạ Em rất lo lắng, rất mong nhận được ý kiến của các BS

ThS.Bs Phạm Hùng: Trường hợp bạn có biểu hiện nghi ngờ nhiễm bệnh khác, cụ thể là có các biểu hiện mắc sốt xuất huyết thì cơ sở y tế sẽ theo dõi, chuẩn đoán và chăm sóc điều trị đối với bệnh sốt xuất huyết mà sẽ không lấy mẫu xét nghiệm Zika nếu không nghi ngờ bạn bị nhiễm virus Zika qua thăm khám.

Qua thăm khám, trong trường hợp có biểu hiện triệu chứng nghi nhiễm virus Zika, cơ sở y tế sẽ tiến hành lấy mẫu xét nghiệm miễn phí để gửi đến các đơn vị hiện được Bộ Y tế giao nhiệm vụ thực hiện xét nghiệm chẩn đoán virus Zika. 6 cơ sở y tế hiện nay được Bộ Y Tế giao nhiệm vụ thực hiện xét nghiệm chẩn đoán virus Zika: Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Pasteur TP.HCM, Viện Vệ Sinh Dịch Tễ Tây Nguyên, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM. Trong thời gian tới, Bộ Y Tế sẽ mở rộng các đơn vị xét nghiệm virus Zika.

Do thời gian giao lưu có hạn, lượng câu hỏi bạn đọc gửi đến quá lớn, nên một số thắc mắc chưa được giải đáp, VietNamNet đã chuyển các câu hỏi còn lại của quý vị đến khách mời

Xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm theo dõi của quý vị!

VietNamNet

Nhãn:

Đăng nhận xét

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.